Một số địa phương chậm thí điểm Thừa phát lại

Một số địa phương chậm thí điểm Thừa phát lại


Sáng 7-2, tại buổi làm việc về tiến độ triển khai thí điểm thừa phát lại, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh giải pháp tuyên truyền thay đổi nhận thức về thừa phát lại ở một số địa phương còn ì ạch, nhùng nhằng, thực hiện quá chậm so với kế hoạch.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn, Bộ Tư pháp đã cấp chứng chỉ hành nghề thừa phát lại cho 273 trường hợp, bổ nhiệm 135 thừa phát lại ở 12 địa phương mở rộng thí điểm. Hiện có tám địa phương đã thành lập văn phòng thừa phát lại là Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Bình Dương... Riêng TP.HCM trước có tám văn phòng và vừa được UBND TP thành lập thêm hai văn phòng nữa.

Điều đáng nói là một số địa phương chưa nhiệt tình thí điểm thừa phát lại, chậm thực hiện thủ tục bổ nhiệm, thành lập văn phòng thừa phát lại và cả một số thừa phát lại cũng chưa tích cực, chưa thật sự có nguyện vọng thành lập văn phòng để hành nghề như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An…

Hiện Bộ Tư pháp đã dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm thừa phát lại nhưng quan điểm giữa các ngành vẫn chưa thống nhất. Chẳng hạn TAND Tối cao vẫn góp ý rằng quy định về thừa phát lại có chức năng trực tiếp tổ chức thi hành án, cưỡng chế thi hành án là không phù hợp.

Theo Sở Tư pháp TP Hà Nội, việc thành lập năm văn phòng thừa phát lại đang chờ UBND TP phê duyệt bộ tiêu chí lựa chọn. Hiện đã phát hành gần 130.000 tờ gấp tuyên truyền về thừa phát lại cấp phát ở trụ sở tòa, thi hành án, công an, UBND quận, huyện… để người dân nắm thông tin và có nhu cầu sử dụng mô hình này.

Theo plo.vn

Bài viết khác