Tiến độ triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại còn chậm

Tiến độ triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại còn chậm

Ngày 19/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo thí điểm chế định Thừa phát lại đã họp bàn về kết quả tình hình triển khai việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo, tính đến ngày 18/3/2014, tổng số Văn phòng Thừa phát lại trên cả nước là 37 văn phòng. 12 địa phương thí điểm đã thành lập được 27 văn phòng, trong đó, Vĩnh Phúc: 2, Bình Dương: 3, Quảng Ninh: 2, Vĩnh Long: 1;…

Bộ Tư pháp đã cấp Thẻ hành nghề cho 58 Thừa phát lại, trong đó có 50 trường hợp tại TP Hồ Chí Minh và 8 trường hợp tại 12 địa phương khác (Vĩnh Long: 3, Vĩnh Phúc: 3, Quảng Ninh: 2).

Tuy nhiên, hiện nay, tiến độ triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại chậm từ Trung ương đến địa phương, chưa đáp ứng đúng yêu cầu mà Nghị quyết của Quốc hội và Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết ngày 31/12/2015.

Trong khi đó, việc đề nghị bổ nhiệm, cấp Thẻ Thừa phát lại và thành lập các Văn phòng Thừa phát lại rất chậm. Số liệu thống kê cho thấy, 12 tỉnh, thành thí điểm Văn phòng Thừa phát lại mới, số người được cấp Thẻ hành nghề quá ít; do đó, hầu hết các văn phòng đều chưa hoạt động, chưa có việc làm.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung đánh giá, thảo luận về những vướng mắc, hạn chế trong công tác triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại. Theo đó, các ý kiến cho rằng, vai trò của Sở Tư pháp các tỉnh còn “mờ nhạt”. Bên cạnh đó, công tác phối hợp từ liên ngành Trung ương đến địa phương cũng được thực hiện chưa tốt; trong khi đó, nhận thức của cả người dân và cán bộ, công chức trong ngành Tư pháp về chế định Thừa phát lại còn nhiều hạn chế, khiến việc triển khai trở nên khó khăn.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ; ở địa phương, cấp ủy chính quyền cần tăng cường chỉ đạo để triển khai việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, cần làm rõ những nguyên nhân vướng mắc, qua đó, tìm ra giải pháp khắc phục trong việc triển khai thí điểm, nhất là đối với 12 địa phương lần đầu thí điểm. Mặt khác, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về chế định Thừa phát lại, bản thân các Văn phòng Thừa phát lại cũng phải chứng tỏ cho xã hội thấy được sự tiện ích của mình.

Bộ trưởng cho biết, tới đây, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức đoàn làm việc đến các địa phương thí điểm chế định Thừa phát lại để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện.

Nguồn: iternet

Bài viết khác