Có thể kê biên tài sản thế chấp để thi hành án hay không?

Có thể kê biên tài sản thế chấp để thi hành án hay không?

Hỏi:

Theo Bản án số 61/2010/DSST ngày 11 tháng 8 năm 2010, buộc A thi hành cho B số tiền 4.023.000.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án. Qua xác minh, A có 1 tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhưng đã thế chấp cho một cá nhân để vay số tiền 3.000.000.000 đồng. Hợp đồng được công chứng tại phòng công chứng nhà nước trước ngày có Bản án sơ thẩm. Như vậy, hợp đồng công chứng trên có giá trị pháp lý không, và chấp hành viên có thể kê biên tài sản của A để đảm bảo thi hành án không?

 

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 342 Bộ luật Dân sự thì thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Trong trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp. Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Việc thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 715 đến Điều 721 của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Theo đó, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên sử dụng đất (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Bên thế chấp được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn thế chấp.

Trong trường hợp bạn nêu, việc thế chấp hợp pháp đã được lập hợp đồng công chứng tại Phòng công chứng nhà nước trước ngày có bản án sơ thẩm, hợp đồng đó đúng pháp luật thì có giá trị pháp lý, nên người nhận thế chấp đó được pháp luật bảo vệ quyền ưu tiên thanh toán từ tài sản thế chấp.
Việc thế chấp tài sản hợp pháp trước khi có bản án sơ thẩm, thì cơ quan thi hành án được kê biên, xử lý tài sản nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự. Đó là trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Khi kê biên tài sản đang thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Thi hành án dân sự.
Trường hợp quyền sử dụng đất đã được thế chấp hợp pháp mà có giá trị bằng hoặc nhỏ hơn nghĩa vụ phải thanh toán theo hợp đồng thế chấp thì Chấp hành  viên phải thông báo cho người nhận thế chấp biết nghĩa vụ của người phải thi hành án; yêu cầu người nhận thế chấp thông báo để cơ quan thi hành án kê biên tài sản đã thế chấp khi người vay thanh toán hợp đồng đã ký hoặc để kê biên phần tiền, tài sản còn lại (nếu có) sau khi tài sản bị bên nhận thế chấp xử lý để thanh toán hợp đồng đã ký theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ: Văn phòng Thừa phát lại Phúc Yên - 178 Hai Bà Trưng, Phúc Yên, Vĩnh Phúc -  SĐT 0989.131.828; 0987.335.058

Tin tức khác