Trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự

Trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự

Thừa phát lại được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng; Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng; Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng.
Khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án quy định tại Luật Thi hành án dân sự như sau:
- Phong toả tài khoản;
- Tạm giữ tài sản, giấy tờ;
- Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.
Khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, Thừa phát lại có quyền và nghĩa vụ như Chấp hành viên, thực hiện các thủ tục quy định tại Luật Thi hành án dân sự.
Thừa phát lại có quyền chủ động ra quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án như sau (trừ trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế có huy động lực lượng bảo vệ):
- Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
- Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
- Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
- Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
- Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
- Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, Thừa phát lại có quyền, nghĩa vụ như Chấp hành viên và thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, Văn phòng Thừa phát lại phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Trên cơ sở ý kiến của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, kèm theo hồ sơ thi hành án để Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế và ra quyết định cưỡng chế thi hành án.  Sau khi được phê duyệt và ra quyết định cưỡng chế thi hành án, Thừa phát lại thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Khi có nhu cầu thi hành án dân sự, người yêu cầu thi hành án và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận về việc thi hành án. Văn bản thỏa thuận thể hiện dưới hình thức hợp đồng và có các nội dung chủ yếu sau:
- Ngày, tháng, năm yêu cầu thi hành án;
- Các khoản yêu cầu thi hành theo bản án, quyết định;
- Chi phí, phương thức thanh toán;
- Các thỏa thuận khác, nếu có.
Văn bản thỏa thuận thi hành án được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
Chi phí thi hành án dân sự:
Khi tổ chức thi hành án dân sự, Thừa phát lại được thu chi phí theo mức phí thi hành án dân sự. Đối với những vụ việc phức tạp, Thừa phát lại có thể thỏa thuận thêm với đương sự về chi phí.
Trường hợp được miễn, giảm chi phí thi hành án theo quy định của pháp luật, người phải thi hành án có đơn đề nghị gửi văn phòng Thừa phát lại kèm theo các tài liệu chứng minh. Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn và tài liệu của đương sự, Trưởng văn phòng Thừa phát lại lập hồ sơ đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh xem xét, quyết định việc miễn, giảm. Nếu từ chối thì Trưởng văn phòng Thừa phát lại phải trả lời bằng văn bản cho đương sự và nêu rõ lý do.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh xem xét quyết định việc miễn, giảm và thực hiện việc chi trả số tiền được miễn, giảm cho Văn phòng Thừa phát lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị. Đồng thời tổng hợp số kinh phí phải thực hiện này để đề nghị Bộ Tư pháp cấp bổ sung.



Tin tức khác