Tôi cho người em kết nghĩa vay tiền dưới danh nghĩa chung vốn làm ăn. Nay cô ấy vỡ nợ, bảo nhà đã cầm cố ngân hàng, không còn khả năng trả tiền. Tôi phải làm sao để đòi được nợ theo đúng luật?
Việc bạn cho người em kết nghĩa vay tiền, theo quy định của pháp luật dân sự thì giữa hai người đã hình thành hợp đồng vay tài sản.
Theo Điều 474 Bộ luật dân sự, khi đến hạn, người vay tiền có nghĩa vụ trả lại cho bạn số tiền đã vay (tiền gốc và tiền lãi - nếu có thỏa thuận). Tuy nhiên, theo thư của bạn, việc vay tiền lại được thực hiện dưới danh nghĩa “chung vốn làm ăn”. Do đó, việc đòi lại số tiền này có thể xảy ra một trong hai trường hợp:
a. Nếu khi giao, nhận tiền, hai bên có lập thành văn bản, ghi mục đích của việc giao tiền là góp vốn kinh doanh thì việc bạn rút vốn sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên (nếu có) hoặc theo quy định của pháp luật.
b. Nếu khi giao, nhận tiền, hai bên có lập thành văn bản, trong đó ghi rõ mục đích của giao dịch này là “vay tiền” thì đây chỉ là giao dịch vay và cho vay thông thường (không phải là việc góp vốn làm ăn chung).
Do vậy, việc thu hồi số tiền vay sẽ được tiến hành theo một trong hai phương thức sau đây:
- Nếu người vay tiền có hành vi gian dối ngay từ khi thực hiện giao dịch hoặc có hành vi tẩu tán tài sản, bỏ trốn... nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng khoản tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả thì hành vi của người đó có dấu hiệu tội phạm (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Trong trường hợp này, bạn cần làm đơn tố giác gửi cơ quan điều tra, đề nghị điều tra, xử lý người vay. Theo Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Nếu cơ quan điều tra xử lý người vay bằng biện pháp hình sự thì quá trình giải quyết vụ án sẽ giải quyết đồng thời việc bồi thường cho những người bị hại do hành vi phạm tội đó gây ra.
- Trường hợp người vay tiền không có dấu hiệu phạm tội, đây chỉ là giao dịch dân sự bình thường, việc không trả được nợ đúng hạn là do làm ăn thua lỗ hoặc do các tác động khách quan khác..., bạn có quyền khởi kiện người vay ra tòa án, đề nghị xử buộc trả lại tiền (cả gốc và lãi nếu có thỏa thuận). Đây là giao dịch vay tài sản không có tài sản bảo đảm nên sau khi bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án tuyên buộc bên vay phải trả tiền cho bạn thì những tài sản của người vay (nếu có) sẽ được cơ quan thi hành án dân sự hoặc Thừa phát lại kê biên, phát mại để trả cho những người bị hại. Nếu tài sản của người phải thi hành án đã được đem cầm cố, thế chấp để vay vốn ngân hàng thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ ưu tiên trả các khoản nợ có bảo đảm cho ngân hàng, khoản tiền còn thừa mới được trả nợ cho bạn và những người bị hại khác.
Lưu ý, bạn không được đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” vì đó là vi phạm pháp luật. Người tự mình đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” hoặc thuê “xã hội đen” đòi nợ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản hoặc tội Cưỡng đoạt tài sản...