Đối với người dân, khi người dân có các bản án cần phải thi hành án thì người dân có thể yêu cầu thừa phát lại xác minh tài sản của người phải thi hành án hoặc người dân có thể yêu cầu văn phòng thừa phát lại trực tiếp tổ chức thi hành án cho mình (thay vì yêu cầu chi cục thi hành án dân sự). Nghĩa là thừa phát lại cũng có thẩm quyền trực tiếp thi hành các bản án đã có hiệu lực của tòa án.
Lê Anh Tuấn - Nam 28 tuổi
Giá trị pháp lý của Vi bằng? Vi bằng có thể thay thế văn bản công chứng hay không?
Ông TRẦN VĂN SỰ, Phó Chánh án TAND TP.HCM:
Điều 28 của Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh có quy định: Giá trị pháp lý của vi bằng do thừa phát lại lập có giá trị là chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án. Quy định pháp lý về vi bằng khác quy định pháp lý về công chứng, do đó vi bằng không thể thay thế văn bản công chứng. Bởi vì vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Còn văn bản công chứng là văn bản do các tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực của các hợp đồng, giao dịch. Văn bản công chứng được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Bùi Thị Thanh Thanh - Nữ 30 tuổi
Xin cho hỏi việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại trong thời hạn 3 năm, nhưng theo tôi biết các VP Thừa phát lại mới hoạt động từ tháng 5/2010, như vậy thực chất Thừa phát lại chỉ mới hoạt động 02 năm, thời gian quá ngắn, khó đánh giá chính xác có thành công không, vậy việc thực hiện thí điểm có gia hạn thêm không?
Ông NGUYỄN ĐỨC CHÍNH, Thứ trưởng Bộ Tư pháp:
Tôi đồng ý là tổ chức hoạt động thí điểm các văn phòng thừa phát lại có chậm hơn so với nghị quyết của Quốc hội. Bởi sau khi có nghị quyết của Quốc hội thì khối lượng công việc để chuẩn bị cho sự ra đời của các thể chế rất lớn, mất nhiều thời gian: soạn nghị định, các thông tư... Sau đó phải tập huấn cho thừa phát lại,
rồi xem xét bổ nhiệm các thừa phát lại (cụ thể bổ nhiệm được 25 thừa phát lại). sau đó lại phải có thời gian để các thừa phát lại chuẩn bị cơ sở vật chất, tài chính... rồi phải xin UBND TP.HCM cấp phép, sau khi được cấp phép lại đăng ký hoạt động ở Sở Tư pháp TP.HCM. Đến giờ này, chúng tôi cho rằng kết quả hoạt động bước đầu của các văn phòng thừa phát lại là khá tốt, được người dân đón nhận. Như tôi đã nêu, sau buổi sơ kết ngày mai (24-6-2011) sẽ có nhiều kiến nghị về thừa phát lại, trong đó sẽ có kiến nghị với Quốc hội cho kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của các văn phòng thừa phát lại.
Nguyen Uyen - Nữ 30 tuổi
Cha tôi chỉ có giấy tờ nhà đất trườc giải phóng do chính quyền cũ cấp nên cơ quan công chứng và chính quyền xã từ chối chứng thực di chúc vậy cha tôi có thể nhờ thừa phát lại lập vi bằng được không?
Lê Mạnh Hùng - Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Q. BT:
Trước hết, bạn cần làm thủ tục hợp thức hóa nhà đất theo quy định của pháp luật. Sau khi nhà đất có giấy tờ hợp lệ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở), bạn có quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng hoặc chính quyền xã, phường xác nhận di chúc. Tuy nhiên, nếu hiện nay cha của bạn không đủ sức khỏe, cần lập trước di chúc, bạn có thể mời hai người làm chứng không có liên quan đến tài sản nói trên để làm chứng việc cha bạn ký vào di chúc. Đối với hành vi này, thừa phát lại có thể lập vi bằng ghi nhận sự kiện cha bạn và hai người làm chứng cùng tự nguyện, minh mẫn, ký vào di chúc.
balan - Nam 63 tuổi
Đề nghị các vp/tpl hiện tại nên kiêm nhiệm thêm vụ việc ở những quận,huyện khác. chẳng hạn như vp/tpl TânBình kiêm thêm huyện Hóc Môn...v.v..
Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án Dân sự:
Theo quy định của pháp luật thì thừa phát lại được thực hiện 04 loại công việc cụ thể:
1. Lập vi bằng: Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện hành vi xảy ra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (không giới hạn ở địa bàn quận).
2. Tống đạt văn bản: Được tống đạt văn bản của tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự các cấp của thành phố mà không giới hạn trong hoặc ngoài thành phố. Tuy nhiên, trong giai đoạn thực hiện thí điểm, để tránh chồng chéo cũng như đảm bảo việc tống đạt được chính xác và kịp thời, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thống nhất với ngành Tòa án phân công địa bàn nhận văn bản tống đạt của mỗi văn phòng thừa phát lại đối với một số tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự.
3. Xác minh điều kiện thi hành án: Thừa phát lại được quyền xác minh điều kiện thi hành liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố. Như vậy việc xác minh có thể được thực hiện trong hoặc ngài thành phố.
4. Trực tiếp thi hành án: Thừa phát lại chỉ được quyền trực tiếp tổ chức thi hành án theo đơn yêu cầu đối với các vụ việc theo thẩm quyền của cơ quan thi hành án cấp huyện nơi có trụ sở văn phòng.
Như vậy, về cơ bản thừa phát lại thực hiện công việc của mình không bị giới hạn về địa bàn hành chính, trừ trường hợp trực tiếp tổ chức thi hành án. Riêng đối với nội dung này, sau khi tổng kết việc thực hiện thí điểm sẽ cân nhắc để quy định cho phù hợp hơn.
Hai Lúa - Nam 54 tuổi
Nếu thừa phát lại có nhiều quyền như chấp hành viên thi hành án thì liệu có sự "cạnh tranh" giữa hai bên hay không? Như sự "cạnh tranh" khách hàng giữa công chứng viên công và công chứng viên tư vậy?
Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án Dân sự:
Trong lĩnh vực thi hành án, khi trực tiếp tổ chức thi hành án, thừa phát lại có thẩm quyền như chấp hành viên, trừ việc ra quyết định cưỡng chế có huy động lực lượng thì phải có sự phê duyệt của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM.
Như vậy theo quy định trong cùng một vụ việc, người dân, tổ chức có thể lựa chọn cơ quan thi hành án dân sự hoặc văn phòng thừa phát lại tổ chức thi hành bản án, quyết định cho mình.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì thừa phát lại mới chỉ được quyền trực tiếp tổ chức thi hành các vụ việc thhuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án cấp huyện nơi đặt văn phòng. Do đó, có thể nói bước đầu đây mới tạo nên sự lựa chọn cho người dân đồng thời góp phần giảm tải công việc cho cơ quan thi hành án chứ không phải là vấn đề cạnh tranh.
Bạn đọc - Nam
Thừa phát lại có quyền hạn gì để cưỡng chế thi hành án hay không? Nếu người bị cưỡng chế không thi hành yêu cầu của thừa phát lại thì thừa phát lại có quyền xử phạt hành chính người dân về hành vi cản trở thi hành án không?
Ông VŨ QUỐC DOANH, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM.:
Căn cứ Nghị định số 61 ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP.HCM, thì theo Khoản 2 Điều 5 của Nghị định này có quy định khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, thừa phát lại có quyền như chấp hành viên quy định tại Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự, trừ Khoản 9, Khoản 10 và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Riêng việc cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng bảo vệ, áp dụng quy định tại Điều 40 của Nghị định này. Cũng cần nói rõ thêm, căn cứ vào Khoản 1 Điều 39 của Nghị định này: Thừa phát lại có quyền ra quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quy định tại Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp đề nghị thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự TP.HCM ra quyết định cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 40 của Nghị định này.
Tóm lại, thừa phát lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự mà có quyền tổ chức cưỡng chế thi hành án theo các quy định đã nêu trên (trừ Điều 40 của Nghị định này).
Trần Thị Hồng Nhung - Nữ 23 tuổi
kính gửi Cô Ngô Minh Hồng, tôi là Lê Thị Yến hiện nay tôi đã tốt nghiệp đại học luật và 5 năm làm giảng vien trong trường luật, vậy tôi có đủ điều kiện để mở Văn phòng thừa phát lại không? tôi thấy thừa phát lại có thể chứng nhận các sự kiện thì Thừa phát lại có thể thực hiện thay công việc của công chứng không? Hơn nữa việc lập vị bằng của thừa phát lại có thể coi là vi phạm đời từ không trong trường hợp nhờ thà phát lại đi lạp vi bằng đối vớihoajt động của một người thứa ba?
Bà NGÔ MINH HỒNG, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM:
Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm thừa phát lại như sau:
1. Công dân Việt Nam, có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt.
2. Không có tiền án.
3. Có bằng cử nhân luật.
4. Đã công tác trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ trung cấp trở lên.
5. Có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức.
6. Không kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật.
Theo ý kiến cá nhân tôi thì thời gian làm giảng viên trong trường Đại học Luật có thể coi là thời gian công tác pháp luật.
Câu hỏi của bạn về việc lập vi bằng liên quan đến hành vi của người thứ ba không rõ trong hoàn cảnh nào nên khó trả lời có vi phạm đời tư hay không.
Bộ Tư pháp đã hướng dẫn thừa phát lại không làm thay việc công chứng, chứng thực của các tổ chức hành n
V.Chính - Nam 25 tuổi
Thời gian qua tôi cũng đã tiếp xúc khá nhiều với cơ quan thừa phát lại, nhưng thực tế tôi thấy có nhiều biên bản tống đạt cho đương sự được thực hiện bởi cơ quan thừa phát lại trên biên bản chỉ có chữ ký của thư ký nghiệp vụ thừa phát lại, và chữ ký của người nhận (không thể xác định được là có phải người nhận thật hay
không), có đóng dấu treo của cơ quan thùa phát lại, nhưng không có đóng dấu xác nhận chứng kiến của chính quyền địa phương, vậy cho tôi hỏi: nếu như vậy làm sao có thể xác định được là đương sự có thực sự nhận được văn bản cần tống đạt hay ko? làm sao có thể đảm bảo được quyền lợi đương sự khi mà chỉ có chữ ký của thư ký như vậy mà không có chứng kiến của chính quyền địa phương thì rất có thể người nhận không đúng, vậy tính pháp lý trong trường hợp này như thế nào? (không thể nói là sơ quan thừa phát lại sẽ chịu trách nhiệm khi mà không đảm bảo được quyền lợi của đương sự và luật định), chân thành cảm ơn đã nghe ý kiến.
Ông TRẦN VĂN SỰ, Phó Chánh án TAND TP.HCM:
Theo quy định tại Điều 3 của Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ thì công việc thừa phát lại được làm là thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự.
Căn cứ vào Điều 152 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định người được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng là cá nhân thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho họ. Thư ký nghiệp vụ thừa phát lại có trách nhiệm kiểm tra để xác định người ký nhận trong biên bản tống đạt chính là người được cấp, tống đạt văn bản tố tụng. Như vậy, biên bản tống đạt có chữ ký của thư ký nghiệp vụ thừa phát lại và chữ ký của người được cấp, tống đạt là hợp lệ.
Hùng - Nam
Tôi tên là Hùng ở Hóc Môn. Tôi muốn hỏi thẩm quyền của văn phòng thừa phát lại được làm những gì?Nguyễn Năng Quang - Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Q. TB:
Chào ông Hùng, xin trả lời câu hỏi của ông như sau:
Thẩm quyền Văn phòng Thừa phát lại được quy định tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ như sau:
- Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự.
- Lập vi bằng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức
- Xác minh điều kiện thi hành theo yêu cầu của đương sự.
- Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự.
Xin chào ông, chúc ông khỏe.
Nguyễn Thị Hoàng Phi - Nữ 31 tuổi
Tôi có vụ việc giải quyết tại cơ quan Tòa án tại Tp.HCM, trong đó có 1 trong các đương sự hiện cư trú ở tỉnh.Tôi có thể nhờ Thừa phát lại lập vi bằng về việc gửi thông báo cho một đối tượng này không(ngoài phạm vi Tp.HCM)?
Lê Mạnh Hùng - Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Q. BT:
Theo quy định thì trong thời gian thí điểm, thừa phát lại chỉ có quyền lập vi bằng đối với những hành vi, sự kiện diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.Trường hợp như chị Hoàng Phi đặt ra, vụ việc này đang được Tòa án ở TP.HCM thụ lý, nhưng đương sự đang ở tỉnh, thì tòa án sẽ tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự ở tỉnh. Hiện nay, tất cả các văn bản của tòa án, Chi cục Thi hành án dân sự tại TP.HCM đều do các Văn phòng Thừa phát lại tống đạt. Vì vậy, nếu bạn không đề nghị thì tòa án cũng sẽ yêu cầu thừa phát lại tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự nói trên. Vì thừa phát lại có quyền tống đạt văn bản của tòa án cho các đương sự ở các tỉnh theo yêu cầu của tòa án.
Hoàng An Mai - Nữ 34 tuổi
Kính gửi bà Ngô Minh Hồng, theo tôi được biết, hiện nay các vi bằng được đăng ký tại Sở Tư pháp. Như vậy, Sở Tư pháp có xem xét lại tính hợp pháp của vi bằng trước khi cho đăng ký không? Sở Tư pháp đã từ chối đăng ký vi bằng lần nào chưa?
Bà NGÔ MINH HỒNG, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM:
Việc đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp nhằm mục đích xác định thời điểm lập vi bằng, để tránh ngụy tạo chứng cứ. Sở Tư pháp không xem xét nội dung của vi bằng. Tuy nhiên, để phục vụ cho công tác quản lý, Sở Tư pháp có định kỳ đánh giá vi bằng để chấn chỉnh, hướng dẫn nếu thấy có sai sót.
Lê Thị Kim Ngân - Nữ 22 tuổi
Em xin chào các vị khách mời, cùng các ban quan tâm đến thừa phát lại. Em có câu hỏi xin gửi đến quý vị khách mời như sau: Đối với vụ án dân sự, đã giải quyết tại Tòa án và có hiệu lực thi hành. Thừa phát lại bằng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã "tổ chức thi hành án" là phát mãi và bán ngôi nhà của bị đơn dân sự để bồi thường cho nguyên đơn. Sau đó, Vụ án được đem ra phúc thẩm, kết quả của Tòa phúc thẩm thì bên bị đơn không có nghĩa vụ phải bồi thường cho nguyên đơn. Vậy, tài sản mà thừa phát lại đã tổ chức phát mãi sẽ giải quyết như thế nào?
Ông VŨ QUỐC DOANH, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM.:
Chào bạn Kim Ngân. Theo câu hỏi của bạn, án xử xong có hiệu lực pháp luật để thi hành, nếu xét xử lại là giám đốc thẩm hoặc tái thẩm chứ không phải phúc thẩm như bạn đã hỏi. Vấn đề bạn hỏi, tài sản đã được thừa phát lại thi hành phát mãi để bồi thường cho nguyên đơn (bên được thi hành án), sau đó bản án bị hủy và xét xử lại bị đơn (bên phải thi hành án) không có trách nhiệm bồi thường thì căn cứ vào Khoản 3, Điều 135 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 để xử lý như sau:
- Đối với phần bản án, quyết định của tòa án hủy, sửa bản án, quyết định của tòa án cấp dưới mà đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc hoàn trả tài sản, phục hồi lại quyền tài sản.
- Trường hợp tài sản thi hành án là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản còn nguyên trạng thì cưỡng chế trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu.
- Trường hợp tài sản đã được chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản, nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa hoặc tài sản thi hành án đã bị thay đổi hiện trạng thì chủ sở hữu của tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bồi hoàn giá trị của tài sản.
- Trường hợp có yêu cầu được bồi thường thiệt hại thì cơ quan ra bản án, quyết định bị hủy, sửa giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nguyễn thị quỳnh Nga - Nữ 22 tuổi
Thừa phát lại lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. vậy cơ quan Nhà nuớc (toà án) cũng có thể yêu cầu TPL lập vi bằng? nếu có thì pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này?
Ông TRẦN VĂN SỰ, Phó Chánh án TAND TP.HCM:
Trong trường hợp cơ quan nhà nước (tòa án) tiến hành một giao dịch dân sự mà xét thấy cần phải lập vi bằng thì có thể yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng theo quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ.
Bạn đọc - Nam
Hiện tôi có bản án của Tòa án nhân dân quận 6, tôi là người được thi hành án. Tôi muốn thi hành bản án này một cách nhanh chóng. Vậy tôi phải làm những thủ tục gì? Tôi nghe nói thừa phát lại có chức năng thi hành án rất hiệu quả và nhanh chóng. Vậy tôi có thể đến văn phòng thừa phát lại để thi hành bản án của tôi được không?
Phạm Quang Giang - Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Q. 5:
Hiện nay, tại địa bàn quận 6 chưa có văn phòng thừa phát lại nên đối với bản án của bạn, bạn chỉ được quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự quận 6 thi hành. Thủ tục bao gồm: đơn yêu cầu thi hành án kèm theo bản án có hiệu lực, sau đó liên hệ nộp đơn yêu cầu đến Chi cục Thi hành án dân sự quận 6.
Tuy nhiên, để thủ tục được nhanh chóng, bạn có thể liên hệ Văn phòng Thừa phát lại quận 5 (số 40 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 2, quận 5, TP.HCM, điện thoại 39246808) để nhờ xác minh điều kiện thi hành án đối với bản án của bạn làm cơ sở pháp lý trước khi nộp đơn yêu cầu.
Nguyễn thị thúy Hằng - Nữ 28 tuổi
tôi có đến văn phòng thừa phát lại lập vi bằng về việc giao tiền đối với hợp đồng mua nhà đã được phòng công chứng chứng thực, văn phòng thức phát lại lấy phí 2.500.000đ mức phí như vậy có quá đắc hay không, có văn bản nào quy định mức thu không
Vũ Thị Trường Hạnh - Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Q. 8:
Bạn Thúy Hằng thân mến, theo quy định của Nghị định 61/2009/NĐ-CP thì:
- Cá nhân, tổ chức muốn lập vi bằng phải thỏa thuận với Trưởng văn phòng Thừa phát lại về việc lập vi bằng với các nội dung chủ yếu về nội dung cần lập vi bằng; địa điểm, thời gian lập vi bằng; chi phí lập vi bằng, và các thỏa thuận khác. Hiện nay pháp luật chưa quy định về khung giá về việc lập vi bằng.
Như vậy, việc Văn phòng Thừa phát lại thu phí về việc lập vi bằng theo như bạn nêu là do bạn và văn phòng thừa phát lại thỏa thuận; phí lập vi bằng còn tùy thuộc vào thời gian lập vi bằng, về số tiền mà bạn giao (nhận) tiền thể hiện trong vi bằng...
Trần Đức Trí - Nam 43 tuổi
Xin cho biết giữa Thừa phát lại và cơ quan thi hành án hiện nay có gì giống và khác nhau (về thẩm quyền, chức năng,...)?
Ông VŨ QUỐC DOANH, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM.:
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa công tác thi hành án dân sự thì sự ra đời của 5 văn phòng thừa phát lại đã giúp cho người dân cũng như các tổ chức... được quyền lựa chọn về việc yêu cầu thi hành án tại cơ quan thi hành án hoặc tại văn phòng thừa phát lại. Do đó, giữa cơ quan thi hành án và thừa phát lại có một số đặc điểm giống nhau về thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ như trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự. Xác minh điều kiện thi hành án. thực hiện việc tống đạt các văn bản giấytờ cho các đương sự. Tuy nhiên, giữa cơ quan thi hành án và thừa phát lại có một số đặc điểm khác nhau như thừa phát lại được lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Thừa phát lại không tổ chức thi hành các bản án, quyết định thuộc diện thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án. Thừa phát lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Từ Trung Hiếu - Nam 30 tuổi
Tôi ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi có cho một người ở Đồng Nai vay tiền, sau đó tòa tuyên tôi thắng kiện. Hiện nay tôi được biết người đó có một số tài sản ở Bình Dương? Vậy tôi có thể yêu cầu Thừa phát lại xác minh tài sản của người đó tại Bình Dương để yêu cầu người đó thi hành án hay không?
Nguyễn Năng Quang - Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Q. TB:
Xin chào ông, xin trả lời câu hỏi của ông như sau:
Tại Điều 30 Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ quy định: "Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các Cơ quan thi hành dân sự tại TP Hồ Chí Minh". Trong trường hợp của ông , nếu bản án do một tòa án của tỉnh Đồng Nai xét xử thì ông không thể yêu cầu thừa phát lại xác minh tài sản, vì nếu bản án của ông do một tòa án ở Đồng Nai xét xử thì thuộc thẩm quyền của Cơ quan Thi hành dân sự tỉnh Đồng Nai, không thuộc thẩm quyền của các cơ quan thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh. Chào ông, chúc ông khỏe.
Giang Phượng - Nữ 28 tuổi
Vì sao lại đặt tên thừa phát lại nghe khó hiểu quá, các vị khách mời giải thích giúp tôi với? Sao không tìm một cái tên nào đó dễ hiểu và dễ nhớ để ít nhất những người dân ít học họ cũng hiểu cơ quan này làm chức năng gì chứ? Nếu như đã có cơ quan Thi hành án rồi thì nhiệm vụ của thừa phát lại để làm gì?
Ông NGUYỄN ĐỨC CHÍNH, Thứ trưởng Bộ Tư pháp:
Tên gọi "thừa phát lại" là một thuật ngữ có gốc Hán - Việt và có tính lịch sử, nó được tồn tại ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ trước năm 1975. Tên "thừa phát lại" đã đi vào tiềm thức của người dân phía Nam. Nghĩa của nó chỉ một người công lại (một người không phải nhân viên nhà nước nhưng lại mang trong mình quyền lực nhà nước vì người đó được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm). Trong vốn từ ngữ Việt Nam hiện nay, cũng có người đề xuất có tên khác như: thừa hành viên, ở các tỉnh phía Bắc cũng có thời kỳ có các nhân vật "mõ tòa". Nhưng xét về tổng thể, thừa phát lại không chỉ là thừa hành viên, thừa phát lại cũng không chỉ là mõ tòa. Thực ra cũng rất chia sẻ với bạn rằng tên "thừa phát lại" đúng là khá lạ, bản thân tôi là người nghiên cứu về chế định này đã nhiều năm, và các nhà khoa học thảo luận trong nhiều hội thảo cũng đề xuất nhiều thuật ngữ khác nhưng cuối cùng đã thống nhất lấy tên gọi thừa phát lại là phù hợp nhất. Tôi cho rằng lúc đầu "thừa phát lại" có thể lạ với một số người, nhưng với những người sống trước năm 1975 ở các tỉnh phía Nam thì không thấy lạ. Tôi lấy ví dụ, những năm 80 của thế kỷ trước, ở các tỉnh phía Bắc nghe từ "cử nhân luật" rất lạ tai, nhưng nay thì từ này rất quen. Tôi hy vọng rằng sau 5, 10 năm nữa, bạn và nhiều người dân sẽ thấy từ này rất thân thuộc. Về việc đã có thi hành án rồi, sao lại còn có thừa phát lại: đây là một câu hỏi khá hay. Thừa phát lại có chức năng rộng hơn thi hành án, trong đó có chức năng lập vi bằng, giúp cho người dân sử dụng vi bằng đó để chủ động làm chứng cứ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, chỉ với một chức năng này thôi của thừa phát lại, nó đã xác lập được một kênh mới trong việc tạo lập chứng cứ, nó vừa giúp cho người dân vừa làm phong phú nguồn chứng cứ cho tòa án, cho cơ quan nhà nước khi xem xét các vụ việc có tranh chấp. Như thế cũng tăng sự chủ động, giúp cho người dân chủ động bảo vệ quyền lợi của mình. Chỉ riêng ý này đã thể hiện giá trị khá lớn của thừa phát lại. Giá trị thứ hai của thừa phát lại là thừa phát lại được giao chức năng tống đạt các văn bản của tòa án, đây cũng là tạo sự khác biệt và tạo nên nề nếp, tạo sự tin cậy, xác tín trong việc chuyển các văn bản của tòa án tới đương sự. Hiện nay, việc tống đạt các văn bản của tòa án thường gửi qua bưu điện hoặc trong trường hợp cần thiết là do thư ký tòa án đi tống đạt trực tiếp cho đương sự. Trong khi đó, việc tống đạt các văn bản của tòa tới các đương sự có giá trị và ý nghĩa rất lớn. Nhiều trường hợp, nếu văn bản của tòa án không biết có tới được đương sự
hay không gây nên việc phải hoãn xét xử, hoãn phiên tòa. Còn việc giao cho thừa phát lại tống đạt các văn bản của tòa án là thực hiện theo những thủ tục được quy định chặt chẽ, có các biểu mẫu cụ thể và có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp (thư ký nghiệp vụ của thừa phát lại) để đem đến tận nơi cho đương sự. Do vậy, việc giao cho thừa phát lại thực hiện tống đạt các văn bản của tòa tới đương sự vừa tạo lập sự tin cậy, tạo lập nề nếp, có ý nghĩa rất lớn, khác với việc gửi qua bưu điện và đây cũng là ý nghĩa rất lớn của thừa phát lại. Tại sao cả thi hành án và thừa phát lại đều tổ chức thi hành án? Ý nghĩa chung là đây là thí điểm xã hội hóa các công việc mà cơ quan nhà nước đang làm, giảm tải gánh nặng các công việc của nhà nước. Do vậy, có thừa phát lại có một ý nghĩa khác và đó cũng là mục đích tại sao lại cho thí điểm tổ chức thừa phát lại.