Luật Thi hành án (THA) dân sự quy định người được THA phải tự xác minh điều kiện của bên phải THA nhằm giảm thiểu áp lực công việc cho chấp hành viên.
Tuy nhiên, đi vào thực tiễn, quy định này không giúp đạt được mục tiêu đề ra mà chỉ làm khổ cho người được THA...
Theo bản án của TAND một huyện ở Tiền Giang, ông NVBS phải trả cho ông NVN gần 90 triệu đồng tiền mua lúa còn nợ. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông N. đã yêu cầu Chi cục THA huyện tổ chức THA.
Hành trình vất vả
Theo khoản 1 Điều 44 Luật THA dân sự, ông N. phải tự xác minh điều kiện THA của ông S. thì Chi cục THA huyện mới nhận đơn. Vì ở cùng xóm với nhau nên ông N. biết được ông S. có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa phương. Do vậy, ông liên hệ ngay với cán bộ địa chính xã nộp đơn xin xác nhận quyền sử dụng đất của ông S.
Tuy nhiên, cán bộ địa chính xã từ chối với lý do lãnh đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện chỉ đạo không được xác nhận thông tin về quyền sử dụng đất của người khác. Ông N. đem Luật THA ra giải thích rồi năn nỉ ỉ ôi nhưng cán bộ địa chính xã vẫn cương quyết lắc đầu.
Đến nước này, ông N. đành đề nghị cán bộ địa chính ghi lý do không thể xác nhận để ông có cơ sở yêu cầu chấp hành viên THA xác minh giùm. Tuy nhiên, vị cán bộ địa chính trả lời dứt khoát rằng “không xác nhận, không ghi giấy gì cả”.
Không biết làm sao, ông N. quay lại Chi cục THA huyện than thở. Một cán bộ tiếp dân của cơ quan này thấy vậy thương tình mách nước: “Thôi ông về nộp đơn yêu cầu xã xác nhận qua đường bưu điện rồi chờ để qua 30 ngày, nếu không có kết quả xác minh thì ông nộp đơn yêu cầu chấp hành viên xác minh và phải chịu phí xác minh”. Ông N. đành làm theo hướng dẫn, phải chịu thêm một khoản phí xác minh, cuối cùng mới nộp được đơn yêu cầu THA.
Cũng bị từ chối cung cấp, xác nhận thông tin như trên nhưng trường hợp của ông TQH ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) lại có phần may mắn hơn. Theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của TAND quận Bình Thạnh thì một công ty đối tác phải có trách nhiệm thanh toán cho công ty của ông H. hơn 100 triệu đồng. Ông H. đến Cục Thuế TP.HCM yêu cầu cung cấp thông tin về phía công ty đối tác để nộp cho Chi cục THA quận Bình Thạnh thì bị từ chối vì Cục Thuế đã có chỉ thị giữ bí mật thông tin của người nộp thuế.
Tuy nhiên, điều may mắn là ông H. lại được cơ quan thuế từ chối bằng văn bản hẳn hoi! Nhờ vào văn bản từ chối này, sau đó ông H. mới có cơ sở làm đơn đề nghị cơ quan THA xác minh giùm.
Luôn bị từ chối
Một chấp hành viên Chi cục THA dân sự quận Bình Thạnh nhận xét kể từ khi Luật THA dân sự có hiệu lực cho đến nay, việc người dân tự xác minh điều kiện THA hầu như không có kết quả vì vướng mắc từ cả quy định lẫn thực tiễn.
Cụ thể, Chính phủ đã có Nghị định số 58 ngày 13-7-2009 (hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THA dân sự) quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài sản của người phải THA khi người được THA yêu cầu. Bộ Tư pháp cũng có một số công văn với nội dung đề nghị tương tự.
Tuy nhiên, thực tế mỗi ngành lại có quy định riêng của mình về việc đảm bảo bí mật thông tin như thuế, ngân hàng… Chẳng hạn, Luật Quản lý thuế quy định giữ bí mật thông tin của người nộp thuế, trừ trường hợp nhận được đề nghị cung cấp thông tin từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, THA …
Mặt khác, khi cá nhân có yêu cầu cung cấp thông tin của người phải THA, các cơ quan, tổ chức liên quan nếu có từ chối, không hợp tác thì cũng không hề bị chế tài cụ thể gì. Đây cũng là một nguyên nhân khiến yêu cầu của cá nhân người được THA hầu như luôn bị xem nhẹ và không được đáp ứng.
Trong khi đương sự phải mệt mỏi, vụ việc bị kéo rê thì ngành THA cũng không giảm bớt được áp lực công việc. Bởi lẽ sau khi bị từ chối, bằng cách này hay cách khác (như gửi yêu cầu qua đường bưu điện), đương sự cũng chứng minh được mình đã áp dụng các biện pháp cần thiết nhưng không thể tự xác minh để yêu cầu chấp hành viên xác minh giùm. Lúc đó chấp hành viên cũng vẫn phải vào cuộc.
Thừa phát lại vào cuộc
Hiện nay, chế định Thừa phát lại đang được thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành. Người dân có thêm một lựa chọn khi có nhu cầu xác minh, truy tìm tài sản của bên phải thi hành án. Người dân có thể thỏa thuận và ký hợp đồng với Văn phòng thừa phát lại để xác minh điều kiện thi hành án. Khi thực hiện việc xác minh, Thừa phát lại có quyền và nghĩa vụ như chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự. Sau khi có kết quả xác minh, người dân có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoặc thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại để thực hiện việc thi hành bản án đó. Thừa phát lại có quyền như chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của bên phải thi hành án, sau đó áp dụng các biện pháp cưỡng chế như kê biên, bán đấu giá... để thi hành bản án.