Hỏi: Tôi là người được thi hành án 300.000.000 đồng từ ông Nguyễn Văn B theo bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tôi làm đơn yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự thi hành án cho tôi, thì Chi cục Thi hành án dân sự yêu cầu tôi phải có tài liệu chứng minh đã xác minh điều kiện thi hành án của ông B, nếu không có thì phải đề nghị cơ quan thi hành án xác minh điều kiện thi hành án và phải chịu chi phí xác minh. Như vậy có đúng không?
Trả lời có tính chất tham khảo:
Trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án của người được thi hành án là một loại quy định mới được thực hiện theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Đây là quy định nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của người được thi hành án trong hoạt động thi hành án dân sự, giảm tải một phần công việc cho cơ quan thi hành án dân sự và góp phần bảo đảm cho hoạt động thi hành án dân sự hiệu quả hơn.
Tại khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự có quy định “trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh”. Điểm a khoản 2 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự còn quy định người được thi hành án phải chịu “Chi phí xác minh theo quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này”. Tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ về chi phí cưỡng chế thi hành án cũng có quy định: Người được thi hành án có yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án phải trả các chi phí thực tế, hợp lý cho việc xác minh. Chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính quy định cụ thể.
Như vậy, nếu bà không có tài liệu chứng minh đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, thì Chi cục Thi hành án dân sự yêu cầu bà phải có tài liệu chứng minh đã xác minh điều kiện thi hành án của ông Bảy, nếu không có thì phải đề nghị cơ quan thi hành án xác minh điều kiện thi hành án và phải chịu chi phí xác minh. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính quy định cụ thể các chi phí thực tế, hợp lý cho việc xác minh mà người được thi hành án phải chịu trong trường hợp này.
Hiện nay, chế định Thừa phát lại đang được thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành. Người dân có thêm một lựa chọn khi có nhu cầu xác minh, truy tìm tài sản của bên phải thi hành án. Bạn có thể thỏa thuận và ký hợp đồng với Văn phòng thừa phát lại để xác minh điều kiện thi hành án. Khi thực hiện việc xác minh, Thừa phát lại có quyền và nghĩa vụ như chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự. Sau khi có kết quả xác minh, bạn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoặc thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại để thực hiện việc thi hành bản án đó. Thừa phát lại có quyền như chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của bên phải thi hành án, sau đó áp dụng các biện pháp cưỡng chế như kê biên, bán đấu giá... để thi hành bản án.