Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời phỏng vấn về Thừa phát lại

Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời phỏng vấn về Thừa phát lại

Bên lề phiên họp chiều ngày 26/10/2012 kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Báo Quân đội nhân dân đã cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường về chế định Thừa phát lại đang được thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Quen với người già, lạ với người trẻ!
PV: Dù đã được thí điểm 2 năm, nhưng khái niệm "thừa phát lại" có vẻ vẫn chưa được nhiều người biết đến, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Thực ra, thừa phát lại tồn tại trước năm 1950 trên cả nước. Sau đó, ở miền Nam thì còn tồn tại đến tận năm 1975. Cho nên, nó chỉ xa lạ với thế hệ sau thôi. Với những người đã sinh sống qua các thời kỳ đó thì người ta không thấy lạ. Nôm na, thừa phát lại là người chấp hành các quyết định của tòa án, trong đó có cả lệnh giữ trật tự tại phiên tòa.
PV: Tại sao lại gọi là thừa phát lại mà không phải một cái tên thuần Việt hơn?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Khi xây dựng đề án cũng có nhiều ý kiến tranh luận có thể Việt hóa tên gọi này không. Nhưng cuối cùng thấy khó Việt hóa. Hơn nữa, trong Nghị quyết của Bộ Chính trị năm 2005 cũng đã nhắc đến rồi. Nên cuối cùng vẫn thống nhất để lại tên này, mặc dù đối với thế hệ trẻ nghe cũng hơi lạ. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì có nhiều khái niệm, thuật ngữ mới. Ví dụ, trước đây, ta thường gọi là xí nghiệp, liên hiệp xí nghiệp, sau, ta đổi thành doanh nghiệp, công ty, rồi thêm cả doanh nhân, ban đầu thì mới, nhưng giờ trở thành phổ thông rồi.

Chờ Quốc hội quyết định
PV: Sau 2 năm thí điểm, Bộ trưởng đã có thể đánh giá hiệu quả của mô hình thừa phát lại?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Mặc dù mới thí điểm 2 năm, trong phạm vi vài quận của TP Hồ Chí Minh, nhưng Chính phủ đã tổng kết và khẳng định bước đầu đã thành công, được xã hội đón nhận và đạt được yêu cầu đề ra khi thực hiện chủ trương xã hội hóa này.
PV: Thí điểm trên quy mô hẹp, khi nhân rộng liệu có khó khăn không?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Thực ra không có gì khó khăn, lẽ ra có thể nhân rộng rồi. Thực tế đã có nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị nhân rộng mô hình tại địa phương họ. Chính thức thì Đà Nẵng, Bình Dương và Đồng Nai đã có đề nghị bằng văn bản và đã có đề án thực hiện. Nhưng cái mắc ở đây là Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm đến ngày 1-7-2012 này thôi. Thành ra, Chính phủ chưa giải quyết được những đề nghị đó, chờ lần này Quốc hội quyết định.
PV: Vậy, những văn phòng thừa phát lại đang được thí điểm hoạt động như thế nào sau thời điểm 1-7?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trong Nghị định của Chính phủ không quy định thời hạn chấm dứt, mà quy định thời hạn tổng kết. Nghị quyết của Quốc hội là chủ trương. Nghị định của Chính phủ - văn bản cao nhất điều chỉnh hoạt động các văn phòng thừa phát lại - không quy định thời hạn chấm dứt. Cho nên các văn phòng thừa phát lại vẫn hoạt động đến ngày hôm nay, trừ khi Quốc hội có quyết định khác.


Đã giải quyết 26 vụ việc dân sự

PV: Một trong những chức năng của văn phòng thừa phát lại là thực hiện việc thi hành án dân sự. Nhưng cũng có người lo ngại, cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước mà còn khó thi hành án. Văn phòng thừa phát lại là của người ngoài Nhà nước, liệu hoạt động thi hành án dân sự có hiệu quả?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Thực ra, ở nước ta trước năm 1950 và ở miền Nam trước năm 1975 không có cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước. Tuy vậy, các quyết định của tòa án về phần dân sự trong bản án hình sự cũng như các quyết định, các bản án về lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình vẫn được thực hiện.Nghị định của Chính phủ quy định, văn phòng thừa phát lại được quyền xác minh về điều kiện thi hành án để tổ chức thi hành cho đến khi đương sự tự nguyện thi hành. Nếu đương sự không tự nguyện, thừa phát lại có thể lên kế hoạch cưỡng chế. Nhưng họ phải báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án TP Hồ Chí Minh. Sau khi Cục trưởng thẩm định, xem xét và ra quyết định thì mới được cưỡng chế.

PV: Cụ thể, trong 2 năm qua, thừa phát lại đã giải quyết bao nhiêu vụ, việc dân sự, bao nhiêu trong số đó phải cưỡng chế?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Thời gian qua, các văn phòng thừa phát lại đã giải quyết được 26 vụ, việc dân sự. 26 vụ, việc này đã được họ thi hành khá nhanh gọn. Tuyệt đại bộ phận thuyết phục được các đương sự tự nguyện thi hành. Chỉ duy nhất một vụ phải cưỡng chế và họ đã cưỡng chế thành công trên cơ sở quyết định cho phép của Cục trưởng Cục Thi hành án TP Hồ Chí Minh.


Không lo thiếu cán bộ

PV: Nếu được Quốc hội cho phép nhân rộng thí điểm, hoặc mở rộng đại trà, Bộ Tư pháp có lo mất cán bộ không, khi cán bộ có thể bỏ ra ngoài làm thừa phát lại?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Không. Nhiều nước, ví dụ ở Đông Âu, đã chuyển đổi sang mô hình thừa phát lại rồi. Phần lớn chấp hành viên của Nhà nước tự nguyện ra ngoài làm thừa phát lại. Như thế, Nhà nước sẽ đỡ gánh nặng về tổ chức bộ máy, biên chế, lề lối…

PV: Chức danh thừa phát lại được bổ nhiệm như thế nào?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Chức danh này do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, giống như công chứng viên.

PV: Có chức danh, nhưng nội dung thừa phát lại chưa được giảng dạy trong các trường luật?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Theo tôi được biết thì hiện nay đang thí điểm trên quy mô nhỏ nên chưa đưa vào chương trình giảng dạy. Nếu Quốc hội cho phép thí điểm dài thì sẽ phải thay đổi chương trình.

PV: Cụ thể, sẽ dạy nội dung này trong các trường luật hay Trường Đào tạo các chức danh tư pháp?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Đây là câu hỏi mới, chúng tôi chưa bàn về việc này. Nhưng đã đưa thì trước hết phải đưa vào hệ chính quy các trường luật, kể cả trung cấp và đại học. Riêng trong các trường dạy nghề thì đã có đào tạo về nghiệp vụ thừa phát lại rồi. Nhưng đào tạo cho chức danh thừa phát lại thì chưa.

PV: Chính phủ chỉ xin kéo dài thí điểm 3 năm, sau đó có thể sẽ nhân rộng đại trà. Vậy mà giờ chưa tính đến chuyện đào tạo cán bộ thì có muộn quá không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Hiện nay thì tương đối sẵn sàng. Có 53 người đã được bổ nhiệm thừa phát lại, nhưng đội ngũ được đào tạo ra thì nhiều hơn. Cũng không loại trừ những người đang là chấp hành viên sẽ đề nghị được bổ nhiệm làm thừa phát lại. Cho nên bây giờ thì không sợ. Thời gian đầu thì lúng túng, nhưng bây giờ thì không còn lúng túng nữa. Nó là sự phân chia lại công việc giữa Nhà nước và xã hội. Phần xã hội chiếm nhiều hơn thì phần Nhà nước sẽ teo lại, vì một bộ phận biên chế của Nhà nước sẽ chuyển sang khu vực xã hội.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo QĐND

Tin tức khác