Thừa phát lại giúp gì cho dân?

Thừa phát lại giúp gì cho dân?

Cuộc sống thường ngày có vô vàn những tình huống, những sự kiện mà người ta muốn ghi nhận lại làm chứng cứ nhưng bế tắc vì không có một cơ quan chức năng nào làm công việc này. Thừa phát lại (TPL) ra đời giúp người dân được hưởng nhiều sự tiện ích hơn với phương châm “khi cần là có”.

Nhiều việc cần đến Thừa phát lại
Mấy hôm nay, gia đình chị Lê Thị Nhung ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cứ như “ngồi trên đống lửa”. Chả là cách đây ít lâu, nhà hàng xóm liền kề với nhà chị khởi công xây nhà mới. Ngôi nhà dự kiến sẽ cao đến 5 tầng nên việc đào móng rất công phu, thợ thuyền làm cấp tập suốt cả ngày đêm. Ngôi nhà xây lên đến tầng 3 thì chị Nhung mới tá hỏa khi phát hiện trong căn nhà cấp 4 của chị bắt đầu xuất hiện những vết nứt dài. Biết rằng đây là hệ quả do nhà hàng xóm đang xây gây ra, tuy nhiên, khi chị Nhung yêu cầu hàng xóm sang chứng kiến để tìm cách giải quyết thì chủ ngôi nhà mới lại từ chối thẳng thừng.
Sau nhiều lần như vậy, chị Nhung quyết đệ đơn ra chính quyền nhờ can thiệp. Tuy nhiên, vài ba lần cán bộ phường vào kiểm tra, thấy nhà hàng xóm có sổ đỏ, có giấy phép xây dựng đàng hoàng nên họ lại ra về sau khi nhắc nhở dăm câu ba điều. Làm đơn lên Công an phường thì chị được trả lời không thuộc thẩm quyền. Trong khi đó, mỗi ngày khi ngôi nhà xây lên cao hơn thì những vết nứt trong nhà chị càng nhiều và to hơn.
Đúng lúc bế tắc vì không biết kêu ai thì chị Nhung được một đồng nghiệp ở cơ quan chỉ đến Văn phòng TPL đóng ngay trên địa bàn. Thế là chỉ bằng một cú alô, các TPL đã đến tận nơi lập vi bằng ghi nhận hiện trạng ngôi nhà của chị. Có lẽ vì thấy “động”, gia đình hàng xóm đã xuống nước đề nghị chị Nhung cùng ngồi lại để nói chuyện bồi thường…”Nếu họ không bồi thường, có vi bằng do TPL lập, tôi sẽ kiện họ ra Tòa án” - chị Nhung quả quyết.
Không giống như chị Nhung, chị Nguyễn Bông Mai ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là người được thi hành án trong một bản án đã có hiệu lực của TAND TP.Hà Nội. Theo án tuyên, chị Phượng Vy (ở cùng quận) phải trả cho chị số tiền đã vay là trên 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi chị đến nộp đơn thì được cán bộ thi hành án giải thích trong đơn chị phải có thông tin về tài sản của người phải thi hành án.
Thực ra, là chỗ quen biết lâu ngày, chị Mai biết chị Vy là người có nhiều tài sản như nhà mặt phố, xe hơi đắt tiền. Tuy nhiên, đấy là bề ngoài, còn thực chất tài sản đó có đứng tên chị Vy không hay của bố mẹ, người thân thì chị Mai không thể biết chính xác. Vì điều kiện công việc, chị cũng không thể đi “gõ cửa” các cơ quan chức năng để tìm hiểu nên được người thân mách, chị Mai đã tìm đến Văn phòng TPL để nhờ giúp đỡ.
Không bị thiệt hại và cũng không phải là người được thi hành án, nhưng anh Lê Công Định ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình lại tìm đến TPL trong một trường hợp khác. Sau nhiều năm chắt chiu dành dụm, gia đình anh Định mới có đủ tiền để mua một căn hộ tập thể ở Thành Công với giá 1,4 tỷ đồng. Vì căn nhà của bên bán đã có sổ đỏ nên việc mua bán diễn ra hết sức thuận lợi. Đôi bên đưa nhau ra Phòng Công chứng để lập hợp đồng mua bán nhà. Hợp đồng này cũng nêu rõ, ngay sau khi hợp đồng được công chứng, bên mua sẽ giao 1,2 tỷ đồng (bằng tiền mặt) cho bên bán. Số còn lại sẽ thanh toán nốt khi bên mua nhận được sổ đỏ.
Ngày giao tiền, anh Định hết sức băn khoăn vì với anh, 1,2 tỷ đồng là số tiền rất lớn. Trong khi vợ anh Định có ý tưởng nhờ một người hàng xóm đến làm chứng việc giao tiền thì anh Định lại nhớ ngay đến một Luật sư quen từ thuở học đại học. Qua Luật sư này, anh Định được tư vấn tìm đến Văn phòng TPL cách nhà anh chị khoảng 400m. Chưa đầy 30 phút sau, TPL đã có mặt ghi nhận cho anh chị việc giao tiền.
“Có vi bằng về việc giao nhận tiền này, cả tôi và bên bán đều yên tâm - anh Định nói và giải thích thêm - liên quan đến tiền bạc là cứ phải rõ ràng. Giao nhận mà chỉ có hai bên với nhau, người ngay thì không sao, người gian lại chối phăng đi thì có phải là “tiền mất, tật mang” không. Vả lại, khi chỉ có hai người ký vào biên bản, sau này bên kia chối không phải chữ ký của mình lại mất công đi giám định, rồi tranh chấp, mệt lắm”.

 

Thừa phát lại giúp tạo lập chứng cứ
TPL hữu ích như vậy nhưng vướng mắc nhất hiện nay là rất nhiều người dân chưa hiểu TPL là gì và khi nào thì họ cần đến TPL. Ngay như ở Hà Nội, nơi trình độ dân trí cao nhưng khi được hỏi TPL là gì, nhiều người dân vẫn lắc đầu… chịu.
“Ví dụ như anh muốn xác nhận tình trạng tài sản, nhà đất trước khi xây dựng, sau khi xây dựng; nhà đất trước, sau khi cho thuê; xác nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản, con dấu, sổ tiết kiệm, thẻ tín dụng trái pháp luật; xác nhận hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; xác nhận các giao dịch mà theo quy định của pháp luật không thuộc thẩm quyền của các tổ chức hành nghề công chứng; những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp… thì đều có thể tìm đến với TPL” - Trưởng Văn phòng TPL Hai Bà Trưng Phạm Anh Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, trong lĩnh vực lập vi bằng, không những chỉ là lập trên văn bản, giấy tờ mà TPL còn thiết lập hồ sơ, hình ảnh, băng ghi âm, ghi hình nhằm phản ánh, ghi nhận các sự kiện, hành vi. Vi bằng được dùng làm chứng cứ trong hoạt động xét xử, hòa giải, thỏa thuận, giao dịch và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng cũng là chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án, là căn cứ để thực hiện các thỏa thuận, giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Vi bằng chỉ được coi là hợp lệ khi được đăng ký tại Sở Tư pháp.
Ngoài lập vi bằng, một lĩnh vực mà TPL được làm đó là xác minh điều kiện và tổ chức thi hành án. Việc điều tra xác minh điều kiện thi hành án được thực hiện bởi các TPL khi có yêu cầu bằng văn bản hoặc trực tiếp. Khi trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của TPL. Trường hợp cần thiết, TPL có quyền mời cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ nội dung cần xác minh.
Theo giải thích của Trưởng Văn phòng TPL Hoàn Kiếm Nguyễn Toàn Thắng: “TPL áp dụng các biện pháp nghiệp vụ truy tìm, điều tra, xác minh tài sản của người phải thi hành án gồm:  Động sản (xe cộ, tàu thuyền…..); bất động sản, giấy tờ có giá trị (sổ tiết kiệm, cổ phiếu…), tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, vốn góp tại Công ty, lương, tài sản có được do thừa kế, hôn nhân, ly hôn, cho vay… làm căn cứ để TPL có biện pháp kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, tư vấn, thực hiện việc thu hồi tài sản trả lại cho người được thi hành án nhanh chóng, hiệu quả.”
Như vậy, với tính ưu việt của chế định mới nói trên, người dân hoàn toàn có thể tìm đến các Văn phòng TPL khi có yêu cầu. Thậm chí, ngay cả trong trường hợp tổ chức thi hành án - việc mà từ trước đến nay chỉ có cơ quan thi hành án mới làm - thì nay nếu “ngại” đến cơ quan nhà nước, người dân cũng có thể lựa chọn TPL. Việc thu các khoản tiền liên quan đến hoạt động này dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên. Do đó, nếu người dân cảm thấy mức thu có thể chấp nhận được thì họ sử dụng dịch vụ và ngược lại.

 

Ngồn: baophapluat.vn

Tin tức khác