Là một chế định mới của pháp luật, sau 3 năm thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, trên cả nước có trên 40 văn phòng Thừa Phát Lại (TPL) được thành lập và đi vào hoạt động. Riêng Vĩnh Phúc có hai văn phòng ở Vĩnh Yên và Phúc Yên (sắp tới một văn phòng sẽ được thành lập ở huyện Vĩnh Tường). Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của văn phòng TPL, công việc cụ thể của những người mang chức danh TPL được quy định như thế nào, đối với người dân đây là khái niệm còn khá mới mẻ, lạ lẫm.
Theo quy định của pháp luật, TPL là người được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện các công việc tống đạt theo yêu cầu của Toà án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự (THADS); lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án (THA) theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Toà án theo yêu cầu của đương sự. Văn phòng TPL là tổ chức hành nghề của TPL. Văn phòng TPL không phải là doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, chức danh TPL do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, cấp thẻ hành nghề nên có tính quyền lực nhà nước. Trên thực tế, công việc của TPL khá vất vả, đòi hỏi TPL phải hội tụ đầy đủ kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức pháp luật vững vàng, sự kiên trì và tất nhiên là cả sức khỏe. Có mặt tại Văn phòng TPL Phúc Yên và Vĩnh Yên chúng tôi đã kịp thời ghi nhận được những điều như thế.
Ông Hoàng Quốc Thuận, Trưởng Văn phòng TPL Phúc Yên cho biết: Văn phòng vừa đi xác minh điều kiện THA thành công cho khách hàng là bà Nguyễn Thị N (phường Trưng Trắc, Phúc Yên). Trước đó, để bảo vệ quyền lợi của mình theo phán quyết của Tòa án, bà N phải tự đi xác minh thông tin về thu nhập, tài sản của người phải THA là ông Lê Văn D, để làm căn cứ THA, nhưng không thành công nên đã tìm đến văn phòng.
Theo khoản 1, Điều 44 Luật THADS hiện hành quy định người được THA phải tự xác minh điều kiện THA của người phải THA, trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được thì mới có thể yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh. Quy định này đang gây ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho người được THA, bởi thực tế họ không có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan chức năng hay những tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin về người phải THA cho mình.
Ông Thuận chia sẻ, trường hợp của bà N là một trong số ít những lần chúng tôi gặp thuận lợi, may mắn, hoàn thành hợp đồng chỉ trong một thời gian ngắn. Mặc dù pháp luật quy định rất rõ: xác minh điều kiện THA theo yêu cầu của đương sự là một trong bốn công việc chính của TPL nhưng tại nhiều địa phương, đặc biệt ở cấp xã còn tỏ ra thờ ơ, chưa thực sự hợp tác với lý do không nhận được văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ cấp trên về vai trò, chức năng của TPL. Thiết nghĩ, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của TPL, bên cạnh các văn bản, thông tư hướng dẫn, rất cần có sự tuyên truyền sâu rộng và thống nhất về mặt nhận thức trong hệ thống cơ quan nhà nước cũng như trong nhân dân về TPL.
Nếu nhìn vào kết quả hoạt động của 2 văn phòng TPL Vĩnh Yên và Phúc Yên sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động (Văn phòng TPL Vĩnh Yên lập được 9 vi bằng, ra quyết định THA 1 vụ, xác minh điều kiện THA 3 vụ; VPTPL Phúc Yên lập được 6 vi bằng, xác minh điều kiện THA 1 vụ) có thể thấy lập vi bằng là dịch vụ được người dân biết đến và lựa chọn nhiều nhất. Hoạt động này diễn ra rất đa dạng, từ xác nhận việc vay nợ, chuyển giao tiền, giấy tờ, xác nhận ý chí trong các bản di chúc... (Vi bằng là văn bản do TPL lập nhằm ghi nhận sự kiện, hành vi, được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng do TPL lập là nguồn chứng cứ quan trọng để luật sư bảo vệ quyền lợi cho thân chủ; hỗ trợ cơ quan công chứng khi công chứng các hợp đồng, giao dịch).
Điển hình như trường hợp gia đình cụ Lê Văn M (phường Trưng Trắc, Phúc Yên) có yêu cầu văn phòng TPL Phúc Yên đến xác minh, lập văn bản làm bằng chứng, chứng minh mẹ của họ có chuyển giao thửa đất cho 1 thành viên trong nhà là hoàn toàn tự nguyện, tinh thần, trí tuệ sáng suốt. Do cụ M bị khiếm thị và mù chữ nên khi tiến hành lập vi bằng, cán bộ TPL phải mời người làm chứng, đồng thời quay video trong suốt quá trình các thành viên trong gia đình cụ M trao đổi, thảo luận, thống nhất quan điểm, để làm bằng chứng tránh những tranh chấp về sau. Hoạt động trên phần nào phản ánh các quan hệ xã hội ngày một đa dạng, phong phú nhưng cũng tiềm ẩn sự phức tạp, đòi hỏi các TPL phải luôn trung thực, tôn trọng sự thật cũng như không ngừng nâng cao nghiệp vụ, trình độ chuyên môn.
Để hoạt động của các văn phòng TPL đi vào ổn định, trên cơ sở thống nhất nội dung làm việc giữa 3 bên Sở Tư pháp, TAND, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, ngày 17-4-2014, Sở Tư pháp đã ra thông báo số 295/STP –BTTP về việc phân chia địa hạt tống đạt và thống nhất mức chi phí tống đạt. Đây là nội dung quan trọng, được các văn phòng TPL rất mong chờ, trên cơ sở đó các văn phòng TPL sẽ tiến hành ký kết hợp đồng với Tòa án, cơ quan THA tại địa bàn mình phụ trách về việc tống đạt văn bản. Hàng năm, các cơ quan này thụ lý hàng trăm vụ việc dân sự, chắc chắn sẽ có một khối lượng lớn các giấy tờ cần chuyển đến tận tay đương sự.
Ông Nguyễn Hải Khanh, trưởng văn phòng TPL Vĩnh Yên chia sẻ: chúng tôi không xác định sẽ sinh lợi nhuận từ hoạt động này bởi xét về bản chất hoạt động TPL là công vụ, phục vụ nhân dân là chính. Thứ nữa công việc này mang tính cơ học là nhiều không đòi hỏi nhiều kỹ năng, chất xám. Nhưng nhờ đó các cơ quan tư pháp sẽ có một người bạn đồng hành san sẻ, giảm áp lực, gánh nặng công việc để tập trung vào công tác chuyên môn. Vì đây là một lĩnh vực còn khá mới mẻ, trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên rất cần các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho cán bộ văn phòng được đi bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ, cũng như học tập, tham khảo mô hình, ở các tỉnh bạn nhất là mô hình TPL tại thành phố Hồ Chí Minh.
Có thể nói, việc thực hiện thí điểm chế định TPL là một chủ trương lớn, mang tính đột phá của Đảng và Nhà nước nhằm xã hội hóa một số hoạt động tư pháp, giúp người dân mở rộng quyền dân chủ trong việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý liên quan đến THADS. Việc người dân có quyền lựa chọn cơ quan THA sẽ phần nào xóa bỏ được tình trạng độc quyền trong THA, hạn chế tiêu cực, tăng cường hiệu quả của công tác THA... Tuy nhiên để hoạt động của các văn phòng TPL thực sự có hiệu quả, đi vào chiều sâu, khẳng định được uy tín, tiếng nói của một nghề mới trong xã hội rất cần sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền trong công tác tuyên truyền, cũng như tạo ra các hành lang pháp lý cần thiết để hoạt động của các văn phòng ngày một chuyên nghiệp, được đông đảo nhân dân biết đến và lựa chọn./.
Tin, ảnh: Khánh Linh
Nguồn: baovinhphuc.com.vn