Sáng 6/5, tại Hà Nội, Văn phòng Thừa phát lại quận Hà Đông chính thức ra mắt. Đây là văn phòng Thừa phát lại thứ 2 của Hà Nội được thành lập theo Đề án thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hà Nội.
Theo đó, Văn phòng thực hiện công việc chính là lập vi bằng theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự, khách hàng; trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự; thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự...
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đánh giá việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, tạo thêm công cụ pháp lý hỗ trợ người dân và các cơ quan tư pháp.
Nhấn mạnh thủ đô Hà Nội là trung tâm hành chính, chính trị lớn nhất của cả nước, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn cho rằng: Việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc từng bước xây dựng mô hình Thừa phát lại trong toàn quốc.
Để thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án của Đảng và Nhà nước, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn đề nghị, các cơ quan liên quan như tòa án, viện kiểm sát, Sở tư pháp Hà Nội, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có sự phối hợp, hỗ trợ tối đa để các văn phòng Thừa phát lại hoạt động hiệu quả. Về phía Văn phòng Thừa phát lại quận Hà Đông, cần nhất trí, quan tâm nỗ lực để thực hiện tốt các hoạt động của Thừa phát lại; đề cao đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo tính khách quan, chính xác trong việc thực hiện chức năng của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật.
Triển khai Nghị định số 36/2012/QH13 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện thí điểm Thừa phát lại và Quyết định số 510/QQĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương liên quan triển khai thí điểm thêm tại 12 địa phương (trước đó đã thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh) gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long. Tính đến ngày 31/3, tổng số Văn phòng Thừa phát lại trên cả nước là 39 văn phòng. Trong đó, tại 12 địa phương thí điểm đã thành lập được 29 văn phòng. Hà Nội được Bộ Tư pháp phê duyệt thành lập 12 văn phòng, nhưng trong giai đoạn đầu, Thành phố quyết định thành lập 5 Văn phòng Thừa phát lại tại quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Hà Đông.
Nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam