Lập vi bằng - Thế mạnh của Thừa phát lại

Lập vi bằng - Thế mạnh của Thừa phát lại

Sau hơn 4 tháng hoạt động, yêu cầu mà các văn phòng Thừa phát lại (TPL) nhận được nhiều nhất chính là việc lập vi bằng. Có thể nói, vi bằng là văn bản thuộc dạng “độc” của TPL.

Có giá trị chứng cứ và hơn thế nữa…

Trong các quyền của TPL theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ thì lập vi bằng là một công việc tương đối mới và đặc biệt rất được người dân trông đợi. Nghị định số 61/2009/NĐ-CP lần đầu tiên đã quy định TPL được quyền lập vi bằng nhằm tạo lập bổ sung nguồn chứng cứ bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi bị xâm phạm trong quan hệ dân sự.

TPL có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn TP.HCM theo yêu cầu của đương sự. Kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác. Vi bằng không những có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án mà còn là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

LS Trần Công Ly Tao nhận định, đây là công việc vốn được người dân rất trông ngóng để có cơ sở giải quyết các tranh chấp phát sinh trong cuộc sống. Chẳng hạn, có 2 bà không ưa nhau, bà nọ chửi bà kia thậm tệ. Lời chửi được nạn nhân ghi âm để làm bằng chứng kiện đòi xin lỗi. Công phu vậy nhưng rồi nguyên đơn vẫn bị thua kiện vì không xác định người trong băng ghi âm... chửi ai.

“Ở trường hợp này, nếu có vi bằng của thừa phát lại ghi rõ địa điểm, ngày, tháng, năm; nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận; có chữ ký của những người tham gia, chứng kiến (nếu có) thì có lẽ người bị chửi không phải tức anh ách”, LS Trần Công Ly Tao phân tích.

Sẽ là thế mạnh

Sau hơn 4 tháng hoạt động, 5 văn phòng TPL đầu tiên được thí điểm tại TP.HCM đã có nhiều khách hàng tìm đến và yêu cầu phổ biến nhất chính là việc lập vi bằng. Người dân cho rằng, có không ít các thỏa thuận, giao dịch, sự kiện xảy ra nhưng không thuộc thẩm quyền chứng của cơ quan nào nên họ phải gõ cửa văn phòng TPL và được đáp ứng nhanh chóng, hiệu quả.

Cụ thể như họ muốn ghi nhận thỏa thuận giữa 2 bên mua bán nhà về chuyện giao nhận tiền, ghi nhận việc tự thỏa thuận tài sản sau ly hôn giữa 2 vợ chồng rằng người vợ sẽ trả cho chồng 500 triệu đồng để được sở hữu căn nhà mà vợ chồng đã cùng tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân, hay đơn giản chỉ là ghi nhận có việc xây dựng của nhà hàng xóm, có vệt nứt trên nhà mình…

Nhiều TPL khi được phóng viên một số báo đài hỏi đã tin tưởng trong tương lai, hoạt động lập vi bằng sẽ là thế mạnh của các văn phòng TPL do đây là lĩnh vực “độc quyền”, không cơ quan nào có thẩm quyền làm.

Mặc dù được lập theo yêu cầu của đương sự, nhưng Nghị định 61 cũng chỉ rõ rằng TPL không được lập vi bằng trong trường hợp vi phạm về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm. Tuy nhiên, khái niệm “đời tư” lại là vấn đề chưa ngã ngũ. Ông Lê Mạnh Hùng - Trưởng Văn phòng TPL ở quận Bình Thạnh nêu ví dụ, bắt một ông đang ngoại tình thì có được lập vi bằng không, lập rồi có phải xâm phạm bí mật đời tư không.

“Ngay cả bí mật đời tư hiện cũng chưa rõ theo Bộ luật Dân sự. Chúng tôi vẫn phải làm theo kiểu cứ mò đi rồi sẽ tỏ vì vi bằng cũng mới được quy định nên không biết giới hạn được làm đến đâu”, ông Hùng cho biết. Và thực tế tính đến thời điểm này, chưa có văn phòng TPL nào lập vi bằng về việc ngoại tình bởi e ngại xâm phạm đời tư của người khác.

Những giá trị của vi bằng do TPL lập: Giúp cơ quan Tòa án, các cơ quan hành chính nhà nước khác giải quyết các việc liên quan đến người dân được khách quan, chính xác, kịp thời, phù hợp pháp luật; Giúp các bên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình về dân sự, kinh tế, thương mại, hành chính, lao động; Hỗ trợ Luật sư những chứng cứ cần thiết để bảo vệ các quyền lợi của thân chủ; Hỗ trợ cơ quan công chứng khi công chứng các giao dịch.

Theo baophapluat.vn

 

 



Tin tức khác