Có thỏa thuận, giao dịch, sự kiện xảy ra nhưng không thuộc thẩm quyền chứng của cơ quan nào: Đã có vi bằng của thừa phát lại. Sau một tháng được cấp giấy phép, chờ các thủ tục con dấu, mã thuế… và đi vào hoạt động chính thức, năm văn phòng thừa phát lại đầu tiên được thí điểm tại TP.HCM đã có nhiều khách hàng gõ cửa. Yêu cầu phổ biến nhất là việc lập vi bằng.
“Làm vi bằng cho chắc”
Công chứng hợp đồng bán căn nhà tái định cư ở quận 2 cho người quen xong, ông Phan Nam mới chột dạ nhận ra ở một số dự án, ngoài tiền bồi thường hỗ trợ được nhận ban đầu, một thời gian sau người bị giải tỏa còn nhận được thêm một khoản tiền hỗ trợ nữa. Sợ mất khoản tiền đó vào tay bên mua, ông Nam giao kèo: Nếu có bất kỳ khoản hỗ trợ thêm nào thì ông phải được nhận. Bên mua đồng ý. Nhưng suy đi nghĩ lại, ông Nam vẫn thấy chưa yên tâm. Ông bèn thuyết phục bên mua nhà đến Văn phòng thừa phát lại quận 1 nhờ lập một cái vi bằng ghi nhận thỏa thuận giữa hai bên: Nếu sau này nhà nước có hỗ trợ gì thêm cho người tái định cư thì ông Nam là người được hưởng.
Không riêng ông Nam, nhiều khách hàng bắt đầu tiếp cận với hoạt động lập vi bằng của thừa phát lại. Có người công chứng hợp đồng mua nhà xong thì một mực kêu Văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh đến ghi nhận chuyện giao nhận tiền với lời giải thích: “Tiền mua nhà lên đến hàng tỉ đồng, thôi mình cứ làm cái vi bằng cho chắc ăn!”.
“Bằng chứng hóa” các thỏa thuận
Cách đây vài hôm, Văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh nhận được yêu cầu của ông NĐK (đường Võ Duy Ninh, phường 22, Bình Thạnh) và họ lập tức xuống ngay hiện trường. Hóa ra việc đập bỏ và xây dựng mới của nhà kế bên đã gây ra một vệt nứt dài trên tường nhà ông K. Khi nhận được tờ vi bằng ghi nhận có việc xây dựng của nhà hàng xóm, có vệt nứt trên nhà mình, ông K. gật gù: “Coi như tôi đã có bằng chứng. Mà nhanh thiệt, gọi thừa phát lại là được đáp ứng ngay, không phải chầu chực đợi chờ”.
Vì được lập theo yêu cầu của các đương sự nên các vi bằng có nội dung khá đa dạng. Trưởng Văn phòng thừa phát lại quận Tân Bình, ông Nguyễn Năng Quang, cho biết: “Trong nhiều trường hợp, người dân không thể yêu cầu công chứng, chứng thực mà chỉ có hình thức vi bằng mới có thể đáp ứng được yêu cầu ghi nhận sự thỏa thuận của đôi bên, biến nó thành bằng chứng trước tòa khi có tranh chấp xảy ra. Chẳng hạn chúng tôi vừa lập vi bằng về một trường hợp tự thỏa thuận tài sản sau khi ly hôn. Người vợ trả cho chồng 500 triệu đồng để được sở hữu căn nhà mà vợ chồng đã tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân”.
Công chứng “chê”, có thừa phát lại
Thừa phát lại Đỗ Phi Thường, Văn phòng thừa phát lại quận 1, cho biết có một số trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tay đã hẹn ông lập vi bằng về việc giao tiền, sau đó bên mua hoàn toàn chịu trách nhiệm về thủ tục hợp thức hóa căn nhà. Ông Thường nói: “Theo quy định, nhà đất phải có giấy tờ sở hữu thì mới có thể ra công chứng hợp đồng. Tuy nhiên, nhiều người không có giấy tờ hợp pháp nên đành phải mua bán bằng giấy tay và không có cơ quan nào chứng, để rồi khi một bên lật kèo thì bên kia ngã ngửa”. Ông Thường cho biết thừa phát lại không làm hợp đồng mua bán mà chỉ ghi nhận trực tiếp chứng kiến việc giao nhận tiền và ghi nhận thỏa thuận của các bên một cách chính xác, khách quan.
Điều khiến người dân hài lòng là thừa phát lại làm việc nhanh, hiệu quả. Thừa phát lại Nguyễn Văn Thắng, Văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh, cho biết để xác minh một căn nhà có thuộc sở hữu của bên phải thi hành án, ông đã trực tiếp đến UBND phường, quận để hỏi và lập biên bản vì chờ UBND trả lời bằng văn bản thì lâu hơn khiến khách hàng phải đợi.
Nhiều thừa phát lại khi được người viết hỏi đã tin rằng trong tương lai, hoạt động lập vi bằng sẽ là thế mạnh của các văn phòng thừa phát lại do đây là lĩnh vực “độc quyền”, không cơ quan nào có thẩm quyền làm.
“Ổng” ngoại tình, lập vi bằng được không? Có bà vợ hỏi dò: “Ông xã tôi tòm tem với con nhỏ phụ bán cà phê. Tôi muốn lập vi bằng để làm chứng cho việc ly hôn trước tòa, có được không?”. Tại buổi họp báo trao quyết định thành lập năm văn phòng thừa phát lại vào tháng 5-2010, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính đã trả lời: “Thừa phát lại lập vi bằng khi đương sự yêu cầu, trừ trường hợp vi phạm về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm. Như vậy, thừa phát lại không được phép xông vô một căn phòng nào đó rồi lập vi bằng nêu anh A, chị B đang “tình tang” với nhau. Tuy nhiên, thừa phát lại có thể lập vi bằng ghi nhận một cách khách quan rằng sáng hôm ấy có việc anh A và chị B cùng vô khách sạn, rồi ở trong khách sạn đó đến buổi chiều mới ra về. Việc đánh giá, xem xét nội dung vi bằng trên sẽ do tòa án thực hiện”. |
ÁI PHƯƠNG (Nguồn internet)